Câu chuyện của tỷ phú công nghệ

Đằng sau “Chiến tranh giữa các vì sao” của các tỷ phú công nghệ

Cập nhật402
0
0 0 0 0
Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc chạy đua vũ trụ của các tỷ phú công nghệ đang tạo nên một cảnh tượng thú vị, một màn trình diễn xa hoa mở ra kỷ nguyên bay vào không gian vũ trụ do các công ty tư nhân dẫn đầu.

Ngày 11/7, Tỷ phú Richard Branson hoàn thành giấc mơ bay vào vũ trụ

Vào ngày 11/7, sau gần 17 năm phát triển với hơn 1 tỷ USD đổ vào công ty du lịch vũ trụ Virgin Galactic, tỷ phú Richard Branson đã đạt được giấc mơ vươn tới không gian của mình.

Tờ The Hill hôm 11/7 cho biết, ông Branson là người đầu tiên trong nhóm tỉ phú đam mê vũ trụ bay vào không gian trên chính máy bay vũ trụ do công ty ông chế tạo, sau khi VSS Unity quay trở về trái đất thành công.
Đằng sau “Chiến tranh giữa các vì sao” của các tỷ phú công nghệSir Richard Branson là tỷ phú chủ sở hữu của Virgin Galactic. Ảnh: @AFP.

Ông Branson đã thực hiện chuyến đi kéo dài khoảng 90 phút vào sáng 11/7 cùng 3 hành khách Sirisha Bandla, Colin Bennett, Beth Moses và 2 phi công David Mackay, Michael Masucci. Sau khi ra khỏi tàu, ông ôm những người thân yêu và ăn mừng với người hâm mộ.

Khi cất cánh bay lên độ cao khoảng 15km, máy bay vũ trụ VSS Unity được thả ra khỏi tàu mẹ và kích hoạt động cơ tên lửa để bay lên khỏi độ cao 80km, được gọi là rìa vũ trụ. Hành khách đã trải nghiệm cảm giác không trọng lượng trong vài phút. Sau khi lên đến độ cao khoảng 88km, VSS Unity quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất rồi hoạt động như một máy bay thông thường, và hạ cánh xuống đường băng an toàn.

Ngày 20/7: Tỷ phú Jeff Bezos bay vào vũ trụ thành công
Blue Origin ngày 20/7 đã thực hiện chuyến bay chở khách đầu tiên lên vũ trụ. Hành khách của họ không ai khác chính là người đàn ông giàu nhất thế giới Jeff Bezos, cùng ba thành viên còn lại là em trai Mark Bezos, nhà thám hiểm vũ trụ trẻ nhất từ trước đến nay Oliver Daemone, và nhà tiên phong hàng không Wally Funk, 82 tuổi. Sau rất nhiều kỳ vọng, chuyến du hành lịch sử đã thành công.

Người sáng lập Amazon và ba hành khách khác đã bắt đầu chuyến du ngoạn vào lúc 9h12 phút sáng ngày 20/7 (giờ địa phương) lên rìa không gian từ một địa điểm xa xôi ở phía tây Texas trên tàu vũ trụ New Shepard.

Theo Reuters, tỷ phú 57 tuổi người Mỹ đã thực hiện thành công chuyến du hành kéo dài khoảng 10 phút 20 giây tới rìa không gian.

Đằng sau “Chiến tranh giữa các vì sao” của các tỷ phú công nghệJeff Bezos là tỷ phú sở hữu Blue Origin. Ảnh: @AP.

Chuyến bay được diễn ra trùng với ngày kỷ niệm phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong và Edwin Buzz Aldrin trở thành người đầu tiên đi bộ trên mặt trăng, ngày 20/7/1969. Tàu bay trở lại Trái đất và chính thức chạm xuống nền sa mạc lúc 9h22 phút.

Theo CBS, vào thời điểm kiểm tra tình trạng sức khỏe trước khi rời tàu bay sau chuyến du lịch không gian, tỷ phú Jeff Bezos đã chia sẻ về việc hiện thực hóa ước mơ bay trong không gian đã được chờ đợi từ lâu của mình. Ngày tuyệt vời nhất từ trước đến nay, Bezos nói.

Tuy nhiên, mọi thứ chưa chỉ dừng tại đó, cuộc đua bay vào không gian của giới tỷ phú còn có sự góp mặt của một tỷ phú công nghệ khét tiếng khác đó là Elon Musk, người từng mong sẽ được chết trên sao Hoả. Dù không thể trở thành vị tỷ phú đầu tiên bay vào vũ trụ, nhưng Elon Musk đã thắng gói thầu lớn và có cơ hội cùng với NASA khởi động lại dự án đưa người lên Mặt Trăng vào năm 2024.

Đằng sau “Chiến tranh giữa các vì sao” của các tỷ phú công nghệElon Musk là tỷ phú sở hữu SpaceX. Ảnh: @NBC / YouTube.

Ba tên tuổi tiên phong với mục đích khám phá không gian khác nhau
Theo trang Yahoo Finance, trong thập kỷ qua, các công ty hàng không vũ trụ đã cố gắng thương mại hóa hoạt động bay vào không gian, và đây là thời điểm nỗ lực của họ dần gặt hái quả ngọt. Virgin Galatic, Blue Origin và SpaceX hiện là những tên tuổi tiên phong trong ngành. Dù có nhiều điểm tương đồng, nhưng ba công ty đặt ra những mục tiêu và cách thức thực hiện khác nhau.

Jeff Bezos với mục tiêu du hành không gian giá rẻ
Thành lập từ năm 2000, công ty Blue Origin đặt mục tiêu dài hạn là giúp mọi người tiếp cận du hành không gian với giá phải chăng và đáng tin cậy, dùng các phương tiện phóng có thể tái sử dụng. Theo số liệu tính đến tháng 6/2021 của trang Craft.co, Blue Origin có khoảng 3.390 nhân viên. Vốn hóa của công ty vẫn nằm trong vòng bí mật.

Ngày 20/7, Blue Origin trở thành công ty đầu tiên thực hiện chuyến bay dưới quỹ đạo mà không có người lái, với phi hành đoàn là người dân. Khi trở về hành tinh xanh, Jeff Bezos bày tỏ mong muốn đưa các ngành công nghiệp gây ô nhiễm ra ngoài không gian để giữ Trái đất được trong sạch, và chuyến bay của ông góp phần củng cố lời hứa đó.

Đằng sau “Chiến tranh giữa các vì sao” của các tỷ phú công nghệBa tỷ phú khét tiếng thế giới Jeff Bezos, Sir Richard Branson và Elon Musk đang chạy đua đến các ngôi sao. Ảnh: @AFP.

Richard Branson và ước mơ thống trị ngành du lịch vũ trụ
Từ năm 2004, Virgin Galactic đã hướng đến dẫn đầu thị trường du lịch vũ trụ thông qua dòng máy bay cho phép khách hàng trải nghiệm cảm giác không trọng lượng ở độ cao dưới quỹ đạo. Theo ước tính từ năm 2020 của Macrotrends, Virgin Galactic có 823 nhân viên, vốn hóa đạt 7,5 tỉ USD.

Dù chuyến bay ngày 11/7 không phải là chuyến bay có người lái thành công đầu tiên của công ty, nhưng đây là hành trình mang tính biểu tượng có tỉ phú Richard Branson tham dự,đồng thời đánh dấu thử nghiệm quan trọng trước khi Virgin Galactic bắt đầu hoạt động thương mại.

Khác với Blue Origin, Virgin Galactic sử dụng máy bay vũ trụ chứ không phải tên lửa tái sử dụng. Bản thân máy bay vũ trụ phải được bệ phóng trên tàu sân bay đưa lên một độ cao nhất định, rồi sẽ tự bay xa hơn bằng tên lửa đẩy bên trong. Máy bay VSS Unity có thể chứa tổng cộng 8 người, gồm 2 phi công và 6 hành khách. Máy bay có thể đạt đến độ cao tối đa khoảng 282.000 feet, tốc độ 2.435 dặm/giờ. Giá vé cho một chuyến là 250.000 USD.

Elon Musk cùng tham vọng chiếm đóng sao Hỏa
Ra đời năm 2002, SpaceX không chỉ là công ty hàng không vũ trụ mà còn cung cấp dịch truyền thông và vận tải không gian. Đây là công ty tư nhân đầu tiên phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo và thu hồi thành công, đưa tàu lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), đồng thời là nhà sản xuất tư nhân đầu tiên cho máy bay cất cánh thẳng đứng và tên lửa quỹ đạo hạ cánh thẳng đứng. Với khoảng 9.500 - 10.000 nhân viên, Forbes ước tính SpaceX có giá trị thị trường 74 tỉ USD.

Mục tiêu lâu dài của Elon Musk và SpaceX có hơi khác thường, thay vì hướng tới thương mại hóa việc bay vào vũ trụ, ông lại muốn biến sao Hỏa thành thuộc địa của Trái đất.

Ngoài một số khác biệt về cách thức vận hành, thiết kế tàu vũ trụ, tốc độ triển khai,… nhìn chung ba tỷ phú đều có chung tham vọng khám phá khoảng không ngoài Trái đất. Họ đặt mục tiêu để các công ty hàng không vũ trụ tư nhân đưa vệ tinh, con người hoặc hàng hóa vào không gian rẻ hơn và nhanh hơn so nhiều thập kỷ trước. 

Cả ba tỷ phú đều khẳng định nỗ lực của họ là vì tinh thần khám phá và cống hiến vì nhân loại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều đã nổ ra xung quanh câu hỏi: Liệu những mục tiêu lớn lao đó có thật sự đem lại lợi ích cho nhân loại, hay đằng sau nó lại là hậu quả thực tế đối với Trái đất?

Chỉ để quảng bá hình ảnh, không mang lợi ích thực tế hiện nay
Các nhà phê bình cho rằng, những tỷ phú này đang tập trung nhiều vào quảng bá hình ảnh và lợi nhuận cá nhân hơn là bất kỳ lợi ích nào có thể mang lại cho nhân loại. Theo quan điểm này, nếu cả Jeff Bezos, Elon Musk, Richard Branson thật sự quan tâm lợi ích nhân loại, thì họ sẽ dồn khối tài sản khổng lồ và trí tuệ của mình để giải quyết nhiều vấn đề lớn, thực tế hơn mà tất cả con người trên Trái đất đang phải đối mặt, như biến đổi khí hậu, nghèo đói… 

Các tỷ phú dường như không muốn giải quyết các vấn đề kém hấp dẫn hơn như bất bình đẳng, nạn đói, người tị nạn hay biến đổi khí hậu, khi họ đang có đồ chơi không gian. Họ muốn có thời gian hưởng thụ trên tàu vũ trụ với 11 phút trong không gian và nhiều cơ hội kinh doanh trong tương lai hơn, nhà báo Jeva Lange của tờ The Week (Mỹ) bày tỏ.

Cuộc đua biến không gian thành bãi rác khổng lồ?
Nhiều nhà khoa học cũng nghi ngờ về tính thực tế của các mục tiêu cao cả hơn về các thuộc địa trên quỹ đạo, Mặt trăng hay sao Hỏa do các tỷ phú này đưa ra. Họ chỉ ra hậu quả thực tế mà các dự án hàng không vũ trụ tư nhân này để lại ngoài không gian và môi trường Trái đất. 

Con người đang biến không gian thành một bãi rác khổng lồ hơn là một nơi nghiên cứu hay điểm đến du lịch. Theo số liệu của NASA, có tới hơn 500.000 mảnh rác đang trôi dạt trong không gian, phần lớn là các bộ phận rời ra từ những vệ tinh và tên lửa cũ. Ngoài ra, còn có 4.000 vệ tinh hết hạn trong quỹ đạo.

Cuộc đua không gian của các tỷ phú có thể làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm

Eloise Marais, phó giáo sư địa lý, vật lý tại Đại học College London cho biết, việc phát triển ngành công nghiệp du lịch vụ trụ có thể mang đến những tác hại lớn cho môi trường. Marais nghiên cứu tác động của nhiên liệu và các ngành công nghiệp lên bầu khí quyển.

Khi tên lửa phóng vào không gian, chúng đòi hỏi một lượng lớn chất đẩy để đưa nó ra khỏi bầu khí quyển của Trái đất. Đối với tên lửa Falcon 9 của SpaceX đó là dầu hỏa, đối với Nasa, nó là dạng hydro lỏng. Những nhiên liệu đó thải ra nhiều loại chất vào bầu khí quyển, bao gồm carbon dioxide, nước, clo và các chất hóa học khác. Bà nói rằng lượng khí thải carbon từ tên lửa là nhỏ so với ngành công nghiệp máy bay. Nhưng chúng đang tăng ở mức gần 5,6% mỗi năm.

Marais nói: Đối với một chuyến bay đường dài, nó thải ra từ một đến ba tấn carbon dioxide. Còn đối với một lần phóng tên lửa với 4 hành khách xả thải ra môi trường đến 200-300 tấn carbon dioxide. Vì vậy, bà cho rằng không nên phát triển ồ ạt ngành công nghiệp du lịch không gian để làm cho môi trường ô nhiễm hơn.

Nhìn chung, dù thế nào đi nữa, cuộc chạy đua giữa những tỷ phú kiểu như thế này có thể ảnh hưởng đến cách công chúng hiểu và tương tác với không gian trong tương lai - có thể là tích cực hay tiêu cực. Một số người đã bày tỏ lo ngại rằng, nếu thị trường này trở nên phổ biến, nó sẽ gây trở ngại cho cuộc sống hàng ngày của những người Mỹ thông thường, vì không phận bị hạn chế nhiều hơn trước, rồi cả ô nhiễm bầu trời, môi trường, vùng không gian. Nhưng ở một góc độ nào đó, việc cạnh tranh công khai này có thể thu hút nhiều sự quan tâm từ công chúng, và cũng rất tốt cho sự phát triển của ngành hàng không vũ trụ.
Nguồn
Lượt xem25/08/2021
0 0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng